Độ Ta Không Độ Nàng là tác phẩm nhạc Hoa lời Việt được ca sĩ Anh Duy cover đầu tiên và phát hành vào cuối tháng 4. Đến đầu tháng 6, trào lưu cover Độ ta không độ nàng bùng nổ. Hàng loạt giọng ca như Phương Thanh, Thái Quỳnh, Khánh Phương, Kasim Hoàng Vũ, nghệ sĩ hài Trấn Thành,… bắt đầu thực hiện các bản thu, MV và đăng tải trên trang cá nhân. Tuy nhiên cuối tháng 6, đại diện phía Công ty CP dịch vụ bản quyền…
Độ Ta Không Độ Nàng là tác phẩm nhạc Hoa lời Việt được ca sĩ Anh Duy cover đầu tiên và phát hành vào cuối tháng 4. Đến đầu tháng 6, trào lưu cover Độ ta không độ nàng bùng nổ. Hàng loạt giọng ca như Phương Thanh, Thái Quỳnh, Khánh Phương, Kasim Hoàng Vũ, nghệ sĩ hài Trấn Thành,… bắt đầu thực hiện các bản thu, MV và đăng tải trên trang cá nhân.
Tuy nhiên cuối tháng 6, đại diện phía Công ty CP dịch vụ bản quyền Việt Nam ra thông báo hiện tác phẩm “Độ ta không độ nàng” thuộc quyền quản lý hợp pháp của công ty. Do vậy mọi hoạt động liên quan tới việc xin cấp phép, thu phí bản quyền của tác phẩm hoàn toàn do đơn vị mình quản lý. Công ty CP dịch vụ bản quyền Việt Nam đề nghị các đơn vị nhanh chóng rà soát, kiểm tra tình trạng khai thác, kinh doanh bản quyền tác phẩm “Độ ta không độ nàng” và chủ động liên hệ lại với phía công ty cung cấp đầy đủ thông tin nêu trên. Đặc biệt, thông báo cũng đề nghị “các Network và chủ sở hữu các kênh Youtube” thực hiện đối soát và thanh toán đầy đủ các khoản chi phí bản quyền liên quan tới việc sử dụng ca khúc này, bao gồm: phí cố định 5 triệu đồng/lần sao chép, sử dụng tác phẩm và 33% doanh thu từ sản phẩm được đăng tải.
Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty TNHH TGS
Quan điểm của Luật sư về quyền tác giả với tác phẩm Độ Ta Không Độ Nàng:
Theo quan điểm của Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội chia sẻ: Trong trường hợp này, nếu những thông tin mà Công ty CP dịch vụ bản quyền Việt Nam đưa ra là đúng sự thật, thì phía họ hoàn toàn có quyền sử dụng và thu phí đối với những cá nhân, tổ chức cover bài hát Độ Ta Không Độ Nàng. Bởi theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009 thì tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có quyền sau:
“Điều 20. Quyền tài sản
1. Quyền tài sản bao gồm các quyền sau đây:
a) Làm tác phẩm phái sinh;
b) Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;
c) Sao chép tác phẩm;
d) Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;
đ) Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;
e) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.
2. Các quyền quy định tại khoản 1 Điều này do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện theo quy định của Luật này.
3. Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật này phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.”
Ngoài ra luật cũng quy định quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký bảo hộ bản quyền tác giả hay chưa đăng ký. Như vậy không chỉ đối với trường hợp tác phẩm “Độ ta không độ nàng” chúng ta đang nói đến ở đây, mà bất kỳ bài hát, tác phẩm nào khác, nếu người biểu diễn chưa xin phép tác giả hoặc chủ sở hữu thì kể cả khi ở Việt Nam chưa có công ty mua bản quyền đi chăng nữa, thì hành vi này đã vi phạm quyền tác giả.
Do đó, Công ty CP dịch vụ bản quyền Việt Nam, đã ký hợp đồng với tác giả người Trung Quốc, thì với vai trò là chủ sở hữu quyền tác giả, công ty hoàn toàn có quyền yêu cầu các tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định trong luật sẽ phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.”
Video Quan điểm của Luật sư về quyền tác giả với tác phẩm “Độ Ta Không Độ Nàng”
Tuy nhiên con số 5 triệu đồng mà Công ty CP dịch vụ bản quyền Việt Nam đưa ra để đổi lấy việc được “cover” ca khúc Độ Ta Không Độ Nàng nghe qua có vẻ không đáng là bao. Song đấy lại không phải điều kiện duy nhất bởi kèm theo đó là việc chia sẻ 33% doanh thu mà các bản cover đem lại cho nghệ sĩ từ việc đăng tải trên kênh mạng xã hội. Tất nhiên đây mới là con số “khủng” bởi nó tỷ lệ thuận với số lượt người xem ngày một tăng, đồng nghĩa với số tiền mà Youtube sẽ phải chi trả cho người thực hiện các bản cover đạt cả triệu, thậm chí hàng chục triệu “view” ngày một lớn.
Về phía ca sĩ Phương Thanh bức xúc cho rằng phía công ty trên đã có động thái mua một bài hát khi nó đang “hot” để ăn chia lợi nhuận từ các bản cover đạt tới con số “triệu view”. Rất dễ hiểu sự bức xúc của nữ ca sĩ này khi khi không chỉ Phương Thanh mà nhiều nghệ sĩ khác cover ca khúc Độ Ta Không Độ Nàng cũng chấp nhận để bản thu của mình bị gỡ bỏ khỏi kênh Youtube chứ dứt khoát không hợp tác với phía Công ty CP dịch vụ bản quyền Việt Nam – đơn vị nhận là quản lý bản quyền hợp pháp tác phẩm này. Trong đó phải kể đến người đầu tiên “cover” ca khúc trên – Anh Duy. Nhưng phát ngôn của ca sĩ Phương Thanh chúng ta cần xem lại; như đã bàn đến ở trên, kể cả trong trường hợp Công ty CP dịch vụ bản quyền Việt Nam nhận là đơn vị quản lý bản quyền đối với tác phẩm, thì việc nữ ca sĩ chủ động cover lời Việt mà chưa có sự chấp thuận của tác giả cũng đã là sai với quy định của Luật sở hữu trí tuệ hiện hành.
Mọi vân đề thắc mắc liên quan liên hệ tổng đài tư vấn sở hữu trí tuệ 1900 8698 để được Luật sư tư vấn chi tiết
Theo www.tgslaw.vn