Mới đây, nhạc sĩ Nguyễn Đình Dũng bất ngờ đăng đàn trên trang cá nhân, chỉ đích danh ca sĩ Đan Trường dùng ca khúc “Từng yêu” của mình với mục đích thương mại hơn 2 năm qua nhưng không xin phép. Nam nhạc sĩ trẻ cho biết ca khúc này do anh sáng tác và tặng riêng cho ca sĩ Phan Duy Anh, bản quyền thuộc về anh và công ty ACV Entertainment. Đình Dũng khẳng định chưa hề ủy quyền cho Trung tâm…
Mới đây, nhạc sĩ Nguyễn Đình Dũng bất ngờ đăng đàn trên trang cá nhân, chỉ đích danh ca sĩ Đan Trường dùng ca khúc “Từng yêu” của mình với mục đích thương mại hơn 2 năm qua nhưng không xin phép. Nam nhạc sĩ trẻ cho biết ca khúc này do anh sáng tác và tặng riêng cho ca sĩ Phan Duy Anh, bản quyền thuộc về anh và công ty ACV Entertainment. Đình Dũng khẳng định chưa hề ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC).
Ông bầu Hoàng Tuấn – đại diện ca sĩ Đan Trường – vừa chính thức phản hồi. Anh khẳng định việc nói Đan Trường “hát Từng yêu không xin phép” là sai. Ngày 21/9/2019, Hoàng Tuấn gọi điện thoại, nhắn tin trao đổi với Đình Dũng về bài hát Từng yêu. Đình Dũng cho biết đã tặng bài Từng yêu cho ca sĩ Phan Duy Anh. Vì vậy, nhạc sĩ đề nghị ông bầu liên hệ công ty của Phan Duy Anh để trao đổi cụ thể về việc hát bài Từng yêu.
Sau đó ca sĩ Đan Trường trực tiếp liên hệ ca sĩ Phan Duy Anh xin phép cover bài Từng yêu. Phan Duy Anh đồng ý để Đan Trường hát cover với những điều kiện như: để chữ “cover” trên tiêu đề video; chèn đường dẫn MV Từng yêu của Phan Duy Anh trong video của Đan Trường.
Tuy nhiên, đại diện của nhạc sĩ Đình Dũng khẳng định: “Đan Trường chỉ xin phép cover chứ không phải biểu diễn trong các sự kiện có tính chất thương mại. Video cover của anh Đan Trường đúng là có ghi ‘đã được sự đồng ý của Phan Duy Anh’, nhưng việc cấp phép hoàn toàn khác. Anh ấy đã biểu diễn bài hát ở nhiều sự kiện, từ phòng trà, trường học tới nước ngoài. Như vậy chúng tôi không đồng ý. Đó là sai luật”.
Qua các thông tin của báo chí truyền thông đưa tin, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) có một số quan điểm trong vụ việc này như sau:
Ca sĩ Đan Trường sử dụng bài hát Từng yêu để đi biểu diễn mà chưa xin phép có vi phạm bản quyền ?
“Cover” là khái niệm dùng chỉ đến hành vi hát hoặc chơi lại bản nhạc, bài hát theo phong cách mới có sự khác biệt với bản nhạc, bài hát gốc. Đó có thể là sự biến tấu lời, bản dịch lời từ tiếng nước ngoài, giai điệu, phong cách hoặc nhạc cụ khác so với bản gốc…
Mục đích cover có nhiều nhưng chủ yếu nhằm mục đích tôn vinh bản nhạc, bài hát gốc. Hay hiểu một cách đơn giản, việc cover tương tự như tạo một tác phẩm phái sinh từ bản nhạc, bài hát gốc. Xét một góc độ tích cực, việc cover giúp tác phẩm “sống lại”, hòa nhập với đối tượng mới, thế hệ con người mới. Tuy nhiên, tác giả, chủ sở hữu tác phẩm có thể thực hiện quyền liên quan quyền tác giả cho hoặc không cho việc cover.
Về vụ việc của ca sĩ Đan Trường, nhạc sĩ Đình Dũng chỉ cho phép ca sĩ Đan Trường cover lại bài hát chứ không cấp phép biểu diễn trong các sự kiện có tính chất thương mại. Do đó việc ca sĩ Đan Trường biểu diễn bài hát ở nhiều sự kiện, từ phòng trà, trường học,…. cho mọi người tiếp cận là hành vi xâm phạm quyền cho phép biểu diễn tác phẩm trước công chúng.
Theo Luật sư Tuấn, căn cứ Điều 13 Nghị định 131/2013/NĐ-CP sửa đổi bổ sung năm 2017, việc cover bài hát hoặc biểu diễn trái phép, có thể bị phạt tiền lên đến 15.000.000 đồng đối với hành vi biểu diễn trực tiếp tác phẩm trước công chúng mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc dỡ bỏ bản sao bản ghi âm, ghi hình vi phạm.
Những lầm tưởng của người dùng về hành vi xâm phạm bản quyền âm nhạc
Một trong những nguyên nhân của việc thực hiện hành vi xâm phạm quyền tác giả là do người thực hiện hành vi không hiểu rõ về vấn đề bản quyền, từ đó có những hành vi xâm phạm bản quyền một cách vô ý. Luật sư Tuấn chỉ ra một số hành vi phổ biển:
– Đề cập đến tên ca sĩ và tác giả trong video của mình là có thể tự do sử dụng tác phẩm âm nhạc của họ.
– Sử dụng nội dung bài hát thoải mái vì bạn đã đăng ký sử dụng trên các trang web có mất phí.
– Tuyên bố các video của bạn “phi lợi nhuận” hay “không cố ý vi phạm bản quyền âm nhạc”.
– Video của bạn chỉ cover một phần rất nhỏ của bài hát nên không sao.
– Bạn tự quay lại các video âm nhạc này bằng thiết bị của mình nên được tự do sử dụng.
Và còn rất nhiều những hành vi nữa mà chính người thực hiện hành vi không nhận thức được mình đang vô tình xâm phạm đến quyền của người khác hay thực hiện hành vi mà pháp luật không cho phép.
Chính vì vậy, các cá nhân trước khi cover bài hát hoặc biểu diễn bài hát của người khác trước công chúng thì cần phải thực hiện việc xin phép, thanh toán quyền lợi vật chất cho chủ sở hữu theo quy định của pháp luật, để tránh gặp phải những rủi ro pháp lý đáng tiếc.