Vấn đề bản quyền tác giả trong những năm gần đây đã được người dân quan tâm và ý thức hơn. Kéo theo đó là những lùm xùm, tranh chấp phát sinh liên quan đến bản quyền cũng ngày càng nhiều, điển hình như vụ kiện liên quan đến tác phẩm “Trạng Tí”, “Gánh mẹ”,…. Mới đây, sau khi chương trình “Ký ức vui vẻ” mùa 3 tập 17 phát sóng, phần tựa đề giới thiệu tác giả bài hát “Hòn đá cô đơn” đề…
Vấn đề bản quyền tác giả trong những năm gần đây đã được người dân quan tâm và ý thức hơn. Kéo theo đó là những lùm xùm, tranh chấp phát sinh liên quan đến bản quyền cũng ngày càng nhiều, điển hình như vụ kiện liên quan đến tác phẩm “Trạng Tí”, “Gánh mẹ”,….
Mới đây, sau khi chương trình “Ký ức vui vẻ” mùa 3 tập 17 phát sóng, phần tựa đề giới thiệu tác giả bài hát “Hòn đá cô đơn” đề tên Nguyễn Hoàng Linh. Ngay sau đó, Trần Vũ (người nhận mình là tác giả bài hát nêu trên) đã lên tiếng, bày tỏ thái độ rất bức xúc về việc này. Trần Vũ cùng vợ là chị Đinh Phương Huyền khẳng định đến thời điểm hiện tại Trần Vũ vẫn nhận tiền bản quyền bài hát “Hòn đá cô đơn”, bản quyền tác giả đã được công bố, Trần Vũ còn có người làm chứng là những người bạn khi xưa cùng anh đi thu âm bài hát này.
Đối với vụ việc này, Thạc sỹ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Hãng luật TGS (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) bày tỏ quan điểm như sau: Hiện tại bài hát “Hòn đá cô đơn” vẫn chưa được đăng ký bản quyền tác giả, tuy nhiên theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2019 thì quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký. Do vậy, để được đứng tên trên bài hát, có quyền tác giả đối với tác phẩm thì các bên liên quan phải cung cấp các chứng cứ thể hiện là người đầu tiên định hình tác phẩm như được đăng trên sách, báo, tạp chí, mạng xã hội, đĩa CD, bản thu âm, ghi hình,…
Trong trường hợp này, nếu Trần Vũ có đầy đủ căn cứ, tài liệu chứng minh mình là tác giả của bài hát “Hòn đá cô đơn” thì có thể yêu cầu các bên xâm phạm quyền tác giả của mình chấm dứt hành vi xâm phạm, yêu cầu Cơ quan Nhà nước xử phạt hành vi xâm phạm theo quy định tại Điều 9 Nghị định 131/2013/NĐ-CP với mức xử phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng hoặc theo quy định tại Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 tùy thuộc vào mức độ vi phạm.
Theo luật sư Hùng, thực trạng hiện nay không ít người làm nghệ thuật đã lợi dụng việc tranh chấp bản quyền (quyền tác giả) để “đánh bóng” tên tuổi. Thậm chí, nhiều người sẵn sàng chấp nhận nộp phạt, thậm chí bồi thường thiệt hại để đổi lấy “tiếng tăm”.
Ngoài ra, việc nhận thức của các chủ thể về vấn đề quyền tác giả chưa thực sự sâu rộng. Chủ sở hữu quyền tác giả đối với các tác phẩm chưa biết cách tự bảo vệ quyền lợi của mình trước những hành vi xâm phạm. Đồng thời hệ thống pháp luật Việt Nam cũng chưa quy định chặt chẽ về cách thức xử lý vi phạm. Từ đó khiến cho các đối tượng có cơ hội thực hiện các hành vi nhằm gây hại trực tiếp đến quyền tác giả.
Đặc biệt, khi có hành vi xâm phạm bản quyền tác giả xảy ra thì người bị thiệt hại cũng chưa biết cách để hạn chế thiệt hại của mình. Điều này gây khó khăn cho công tác phòng ngừa, ngăn chặn cũng như xử lý những hành vi trái pháp luật..
Do đó, để hạn chế và loại bỏ các hành vi vi phạm bản quyền này cần rất nhiều các giải pháp đồng bộ đến từ nhiều phía. Các cơ quan chức năng cần phải hoàn thiện các quy định của pháp luật, xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan hữu quan, cũng như với các nhà cung cấp dịch vụ internet, các nền tảng công nghệ, để có thể kịp thời phát hiện, ngăn chặn, và xóa bỏ các tài khoản, các nội dung vi phạm bản quyền trên không gian mạng.