Nhạc Phú Quang nằm trong số ít các nhạc sĩ trong nước có nhiều bản tình ca phù hợp với nhiều không gian biểu diễn. Được bố di chúc cho quản lý toàn bộ di sản văn hóa mà ông để lại, nghệ sĩ Trinh Hương (con gái nhạc sĩ Phú Quang) cho biết gia đình không khắt khe chuyện các đêm nhạc sử dụng tác phẩm của Phú Quang, thậm chí rất vui, cảm động trước tình yêu mến của mọi người dành cho…
Nhạc Phú Quang nằm trong số ít các nhạc sĩ trong nước có nhiều bản tình ca phù hợp với nhiều không gian biểu diễn. Được bố di chúc cho quản lý toàn bộ di sản văn hóa mà ông để lại, nghệ sĩ Trinh Hương (con gái nhạc sĩ Phú Quang) cho biết gia đình không khắt khe chuyện các đêm nhạc sử dụng tác phẩm của Phú Quang, thậm chí rất vui, cảm động trước tình yêu mến của mọi người dành cho ông.
Cố nhạc sĩ Phú Quang
Tuy nhiên đêm nhạc của một đơn vị chuyên nghiệp tổ chức do bà Nguyễn Thị Hoài Oanh lãnh đạo hồi tháng 4 vừa qua, ban đầu Trinh Hương cho biết chị không đồng ý với lý do muốn đêm nhạc đầu tiên sau khi nhạc sĩ Phú Quang mất sẽ do gia đình tổ chức thật trọn vẹn, nhưng nhà tổ chức thuyết phục rằng đêm nhạc của họ đã được chuẩn bị từ năm 2021, định diễn tháng 6-2021 mà phải hủy do dịch, và lúc đó đêm nhạc đã có sự đồng ý của vợ nhạc sĩ Phú Quang, nên Trinh Hương đành đồng ý ký hợp đồng, cho phép hát một số ca khúc của bố mình.
Và công ty trên lại tiếp tục tổ chức đêm nhạc thứ 2 vào tháng 5, gia đình không đồng ý cho hát nhạc Phú Quang, trong giấy phép cũng không có các ca khúc của Phú Quang nhưng chương trình vẫn có ca sĩ hát với lý do là khán giả yêu cầu !
Quy định pháp luật về hành vi vi phạm bản quyền
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết:
Nhiều năm gần đây, chuyện bản quyền trong âm nhạc luôn được nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ quan tâm bởi việc “xài chùa chất xám” xảy ra như “cơm bữa” khiến các nhạc sĩ mất bao công “thai nghén tác phẩm” song lại đau đớn nhìn “đứa con” tinh thần của mình bị người khác sử dụng vô tội vạ khiến nhiều người đặt dấu hỏi.
Về vụ việc sử dụng bài hát của nhạc sĩ Phú Quang mà không xin phép, theo Luật sư Tuấn, nghệ sĩ Trinh Hương (con gái nhạc sĩ Phú Quang) – Người được nhạc sĩ Phú Quang di nguyện để lại toàn bộ di sản văn hóa của ông có quyền kiện cá nhân và tổ chức cố tình sử dụng bài hát thuộc di sản văn hóa của nhạc sĩ Phú Quang mà không xin phép.
Tùy mức độ nghiêm trọng của vụ việc mà hành vi vi phạm bản quyền sẽ bị xử lý về trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự. Căn cứ Nghị định 131/2013/NĐ-CP sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan thì hành vi xâm phạm quyền cho phép biểu diễn tác phẩm trước công chúng sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi biểu diễn trực tiếp tác phẩm trước công chúng mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định; Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi biểu diễn tác phẩm thông qua các chương trình ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định. Bên cạnh đó, buộc dỡ bỏ bản sao bản ghi âm, ghi hình vi phạm đối với hành vi vi phạm trên.
Về trách nhiệm hình sự, người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện một trong các hành vi như: sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình; phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm theo khoản 1 Điều 225 bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2017).
Đối với pháp nhân thương mại thực hiện hành vi: Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình; phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam, thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định trên hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng. Hoặc có thể bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm. Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm theo khoản 4 Điều 225 bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2017).
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS
Nguyên nhân xảy ra tình trạng “xài chùa” ?
Sở dĩ vấn nạn ca sĩ biểu diễn ca khúc mà “quên” xin phép tác giả ca khúc trên vì phần nhiều là do ý thức tuân thủ bản quyền âm nhạc của các đơn vị tổ chức chương trình chưa cao.
Luật sư Tuấn nhận định, sự chưa quyết liệt của các tác giả và cơ quan quản lý tập thể quyền tác giả trong việc bảo hộ bản quyền. Luật đã cho phép đó là khi bị vi phạm bản quyền, tác giả, chủ sở hữu tác phẩm và các đơn vị đại diện có thể khởi kiện ra tòa án để yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, rất ít hoặc hầu như là không có các vụ kiện về bản quyền được giải quyết theo con đường tòa án, lý do tranh chấp không được giải quyết bằng tòa án là do:
– Thủ tục giải quyết theo con đường tòa án rất tốn kém về mặt thời gian và tiền bạc.
– Việc chứng minh thiệt hại cũng rất khó khăn theo quy định của pháp luật hiện hành.
– Thanh tra, kiểm tra cơ sở kinh doanh chưa được gắt gao. Hay nếu có cũng chỉ là phạt hành chính nên việc sao chép, cố tình sử dụng mà chưa được cho phép vẫn tiếp tục diễn ra.
– Người tạo ra tác phẩm của mình chưa thực sự quan tâm bảo vệ tác phẩm của mình. Tài sản trí tuệ chưa thực sự trở thành đối tượng quản lý như quản lý tài sản thông thường.
Vậy biện pháp hạn chế vấn nạn này là gì ?
Để hạn chế tình trạng vi phạm bản quyền tác phẩm âm nhạc, theo Luật sư Tuấn, cần có những giải pháp sau:
– Cần bổ sung quy định hiện hành theo đó việc cấp phép cho chương trình biểu diễn phải kèm theo thỏa thuận hoặc hợp đồng tác quyền với tác giả, chủ sở hữu tác phẩm có tác phẩm được sử dụng trong chương trình.
– Chủ sở hữu tác phẩm và tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả cần quản lý chặt chẽ hơn tài sản trí tuệ của mình. Cần thiết đưa ra khởi kiện một số vụ việc tiêu biểu, từ đó nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về vấn đề bản quyền.
– Áp dụng các giải pháp công nghệ bao gồm: phần mềm, linh kiện, các thiết bị khác để tạo ra “cánh cửa có khóa”, giúp bảo vệ an toàn dữ liệu về tác phẩm để ngăn chặn các hành vi tiếp cận tác phẩm, khai thác bất hợp pháp quyền sở hữu.
– Cần nâng cao nhận thức của xã hội về vấn đề bản quyền âm nhạc, bản quyền, đặc biệt các tổ chức đại diện cần phải phổ biến về mức phí tác quyền, phân tích xem mức phí đó là cao hay thấp, lắng nghe nhau để xem việc mua bản quyền như thế là hợp lý.
Nguồn: Công ty Luật TGS (https://tgslaw.vn/rac-roi-quanh-ban-quyen-am-nhac-phu-quang.html)