Vấn đề đạo nhái các tác phẩm không còn mới mẻ trong xã hội ngày nay. Người ta nói đến đạo nhái như một hiện tượng đáng lên án. Đạo văn, đạo giáo trình thậm chí là đạo nhạc vẫn đang tràn lan ở một số quốc gia hiện nay. Hành vi đạo nhạc luôn bị xã hội đánh giá thấp vì đã lợi dụng công sức trí tuệ của người khác, là kiểu “ăn cắp” chất xám ngang nhiên nhất và tự cho đó…
Vấn đề đạo nhái các tác phẩm không còn mới mẻ trong xã hội ngày nay. Người ta nói đến đạo nhái như một hiện tượng đáng lên án. Đạo văn, đạo giáo trình thậm chí là đạo nhạc vẫn đang tràn lan ở một số quốc gia hiện nay. Hành vi đạo nhạc luôn bị xã hội đánh giá thấp vì đã lợi dụng công sức trí tuệ của người khác, là kiểu “ăn cắp” chất xám ngang nhiên nhất và tự cho đó là sản phẩm sáng tạo của mình. Tuy nhiên, giới hạn nào phân biệt giữa một bài nhạc “đạo” và một bài nhạc không “đạo”.
Quy định pháp luật về bản quyền không có khái niệm cụ thể về đạo tác phẩm và căn cứ nào để nhận định tác phẩm đó được đạo lại từ một tác phẩm khác. Tuy nhiên có thể hiểu, đạo là sao chép một phần nội dung tác phẩm đã tồn tại trước đó. Sao chép là việc tạo ra một hoặc nhiều bản sao của tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc tạo bản sao dưới hình thức điện tử. Tác phẩm là bản sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp một phần hoặc toàn bộ tác phẩm bằng bất cứ phương tiện hay hình thức nào được gọi là bản sao của tác phẩm. Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả trừ trường hợp sao chép nhằm mục đích nghiên cứu khoa học thì bị coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả theo Luật Sở hữu trí tuệ.
Hành vi đạo nhạc đang ngày càng trở nên tinh vi, không chỉ ở việc “lấy cắp” phần lời, giai điệu của ca khúc có sẵn mà nó đã mở rộng thêm sang phần hòa âm, phối khí của các tác phẩm âm nhạc hiện đại. Hàng loạt các ca khúc nổi tiếng của ca sĩ Sơn Tùng bị dính nghi án đạo nhạc vì sao chép từ một số ca khúc, MV ca nhạc quốc tế là “Cơn mưa ngang qua, Đừng về trễ, Em của ngày hôm qua, Nắng ấm xa dần”…Ngoài ra còn danh sách một số ca khúc khác trên thị trường âm nhạc Việt Nam bị tố đạo nhạc như: “Trách ai bây giờ”- sáng tác của Đỗ Hiễu có phần beat điệp khúc giống gần như hoàn toàn một bài hát Hàn Quốc. Hay tiếng kèn trong ca khúc “Lẻ loi” của Châu Đăng Khoa cũng được cho là quá giống với bài hát ăn khách của một nhóm nhạc nữ Hàn Quốc. Hay mới đây nhất rầm rộ lên vụ việc bản hit “Anh ơi ở lại” của ca sĩ Chi Pu bị phát hiện có giai điệu giống với ca khúc “Thăm lại” của Đàm Duy Duy, là bản nhạc phim của bộ phim Trung Quốc đình đám “Ngôi sao sáng nhất bầu trời đêm”. Nếu so sánh, khán giả sẽ dễ dàng nhận ra đoạn điệp khúc của cả hai bài hát giống nhau đến 80%, từ kết cấu, cách đảo phách và đi note nhạc cũng giống đến ngỡ ngàng, thậm chí đoạn piano phần kết bài cũng giống nốt. “Thăm lại” là một bản ballad trầm buồn, được sử dụng làm ca khúc chủ đề cho bộ phim và khởi chiếu vào tháng 3/2019. Trong khi đó, ca khúc “Anh ơi ở lại” của Chi Pu được phát hành vào ngày 23/4/2019, từ đó càng dấy lên nghi vấn về sự “trùng hợp bất thường” này.
Điều đáng nói ở đây là trước đó GOM Entertainment – công ty quản lý của Chi Pu đã lên tiếng về việc một số show biểu diễn mang tính chất thương mại có tiết mục sử dụng ca khúc “Anh ơi ở lại” nhưng không có sự xin phép tác giả và ca sĩ, theo đó GOM Entertainment sẽ có những hành động cảnh cáo đối với hành vi được cho là vi phạm bản quyền này. “Anh ơi ở lại” là ca khúc độc quyền mà Đạt G đã sáng tác dành riêng cho Chi Pu. Khi tác phẩm được công bố rộng rãi thì sự đón nhận của khán giá là sự ưu ái dành cho những người đã làm nên tác phẩm đó. Tuy nhiên việc sử dụng hay biểu diễn ca khúc mà chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu là hành vi vi phạm quyền Sở hữu trí tuệ và là hành động thiếu tôn trọng tác giả.
Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ ca khúc do tác giả sáng tác là một tác phẩm âm nhạc được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào phần trình diễn hay không trình diễn đều thuộc quyền tác giả được bảo hộ. “Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu” (khoản 3 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009). Do đó, nhạc sĩ, ca sĩ, người đồng sở hữu tác phẩm này được hưởng các quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm và có quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả… Bên cạnh đó, làm tác phẩm phái sinh, biểu diễn tác phẩm trước công chúng hay sao chép tác phẩm… đều cần đến sự cho phép của tác giả. Nếu phát hiện hành vi ấy phần nhạc của người khác, chỉnh sửa lại lời hoặc biểu diễn nhằm mục đích thương mại mà không xin phép tác giả thì tùy theo tính chất, mức độ, tác giả có quyền yêu cầu gỡ bỏ bài hát, buộc xin lỗi và bồi thường hợp lý cho tác giả. Trong trường hợp không đạt đến sự thỏa thuận, hành vi sao chép tác phẩm mà không xin phép tác giả có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Điều 18 Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 về xử phạt vi phạm hành chính đối với quyền tác giả và quyền liên quan thì hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng. Người vi phạm còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi trên.
Truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi sao chép tác phẩm không được phép của chủ thể quyền tác giả mà xâm phạm quyền tác giả đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại thì phạm tội xâm phạm quyền tác giả và bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 2 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm.
Một tác phẩm đạo nhạc thì đương nhiên bị xử phạt. Tuy nhiên thời gian qua, có những vụ việc dù bị phát hiện nhưng người ta vẫn lợi dụng khung pháp lý còn lỏng lẻo để vẫn âm thầm phát hành và thu lợi nhuận gây ảnh hưởng không nhỏ đến chính chủ nhân của ca khúc gốc. Vậy khi có tranh chấp xảy ra thì những người trong cuộc, chủ sở hữu của tác phẩm bị đạo nhái, cần có bằng chứng thuyết phục để bảo vệ sản phẩm trí tuệ của mình. Bằng chứng có giá trị nhất cho tới thời điểm hiện tại là Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả. Tác phẩm khi được Nhà nước bảo hộ thì tác giả không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại. Điều đó nhằm bảo vệ quyền và lợi ích tuyệt đối cho tác giả, giảm thiểu tối đa cho những tranh chấp có thể xảy ra đồng thời hạn chế hiện tượng đạo nhạc, đạo văn như hiện nay.